Lưu ý khi lựa chọn máy bơm, số lượng máy bơm
- Khi áp lực cố định hay định kỳ ở mạng lưới cấp nước bên ngoài không đảm bảo cho phép đặt máy bơm để tăng áp lực ở mạng lưới cấp nước bên trong của một hay nhiều nhà. Có thể sử dụng các kiểu máy bơm như sau:
a) Máy bơm hoạt động thường xuyên hay định kỳ;
b) Máy bơm hoạt động định kỳ kết hợp với đài nước có áp hay đài nước có sử dụng hơi ép;
c) Máy bơm chỉ hoạt động khi có cháy.
- Việc lựa chọn loại máy bơm, số lượng máy bơm phải có các cơ sở kinh tế kỹ thuật, có xét đến sự hoạt động đồng thời giữa máy bơm, đường ống dẫn để đảm bảo chế độ làm việc tốt nhất của máy bơm.
- Trong cùng một công trình nên chọn cùng loại máy bơm để dễ quản lý và giảm số lượng máy bơm dự trữ.
Lưu ý về cách bố trí đặt máy bơm
1. Máy bơm (trừ bơm để chữa cháy) không được bố trí trực tiếp dưới nhà ở, lớp học, nhà trẻ, mẫu giáo, phòng bệnh nhân, phòng khám bệnh, phòng thí nghiệm, phòng thường xuyên có người làm việc.
2. Máy bơm, bơm nước từ mạng lưới cấp nước bên ngoài nhất thiết phải đặt đường bao có công tơ và van một chiều.
Đối với hệ thống đường ống cấp nước cho các họng nước cho phép không cần đặt đường bao ở máy bơm.
3. Máy bơm dùng để cấp nước sinh hoạt, sản xuất và chữa cháy dù riêng biệt hay kết hợp, đều phải có máy bơm dự bị, có công suất tương đương với công suất của máy bơm chính.
Số lượng máy bơm dự bị được quy định như sau:
a) Khi số lượng máy bơm vận hành theo tính toán từ 1 đến 3 thì cần có 1 máy bơm dự bị;
b) Khi số lượng máy bơm vận hành từ 4 máy trở lên thì cần 2 máy bơm dự bị.
Máy bơm chữa cháy chính phải được nối với 2 nguồn điện riêng biệt, hoặc nguồn điện dự bị ở trạm phát điện, hoặc động cơ dự bị ở trạm máy bơm.
Cho phép dùng máy bơm để cấp nước chữa cháy mà không cần máy bơm dự bị và máy bơm chữa cháy chính, chỉ nối với một nguồn điện khi lượng nước chữa cháy bên ngoài dưới 20lít/giây hoặc trong các xí nghiệp hạng sản xuất E, D mà công trình có bậc chịu lửa I, II, hoặc trong nhà sản xuất khi lưu lượng nước chữa cháy bên ngoài không quá 20 lít/giây.
4.Trục các máy bơm nên đặt thấp hơn mực nước thấp nhất trong bể chứa hay sông, hồ để dễ dàng bảo đảm an toàn trong khi làm việc. Trường hợp không đặt thấp hơn được thì phải đặt corôpin ở đầu ống nước và phải có biện pháp mồi nước cho máy bơm.
Các biện pháp mồi nước có thể áp dụng:
a) Lấy trực tiếp từ ống dây chung của một nhóm máy bơm;
b) Lấy nước trực tiếp từ bể lọc sang;
c) Dùng thùng nước mồi đặt trong trạm máy bơm hay dùng đài nước;
d) Dùng bơm chân không.
Thời gian mồi nước không quá 3 phút.
5. Trạm máy bơm nếu đặt riêng biệt thì phải làm bằng vật liệu có bậc chịu lửa I, II.
Nếu trạm bơm đặt kết hợp với các ngôi nhà khác, thì phải ngăn cách bằng tường không cháy và có lối ra ngoài trực tiếp.
Trạm chữa cháy phải liên hệ với trạm máy bơm bằng tín hiệu hay điện thoại.
Chú thích. Nếu trạm máy bơm chỉ có một máy bơm, thì có thể bố trí trong nhà có bậc chịu lửa III.
6. Nếu trạm máy bơm có từ hai máy bơm trở lên, thì ít nhất phải có hai đường ống cấp nước. Mỗi đường ống phải đảm bảo hút được lượng nước chữa cháy cần thiết lớn nhất.
Chú thích:
Trong trường hợp kết hợp ống dẫn nước chữa cháy có áp lực thấp với các đường ống dẫn khác nếu có hai máy trở lên thì phải có ít nhất hai đường ống hút nước.
Nếu có hai bể dự trữ nước trở lên, thì mỗi máy bơm chữa cháy của đường ống có áp lực cao, phải có một đường ống hút nước riêng. Phải đảm bảo để máy bơm hút được nước từ bất kỳ bể dự trữ nào.
Một số lưu ý về máy bơm cấp nước chữa cháy có bảng điều khiển
1. Máy bơm cấp nước chữa cháy, có thể điều khiển bằng tay tại chỗ hoặc điều khiển tự động từ xa.
Chú thích. Khi lưu lượng nước chữa cháy bên ngoài từ 25 lít/giây trở lên, thì nhất thiết máy bơm chữa cháy phải có bộ phận điều khiển từ xa. Khi đó, phải đồng thời bố trí bộ phận điều khiển bằng tay.
2. Hệ thống điều khiển tự động máy bơm phải:
a) Điều khiển máy bơm vận hành;
b) Điều khiển máy bơm dự bị nếu máy bơm vận hành không làm việc.
Một số lưu ý về xác định lượng nước dự trữ chứa cháy trong bể nước và trên đài nước
Xác định lượng nước dự trữ chữa cháy trong bể chứa và trên đài nước, phải căn cứ vào tiêu chuẩn lượng nước chữa cháy, số đám cháy trong cùng một lúc, thời gian dập tắt đám cháy và lượng nước được bổ sung trong thời gian chữa cháy.
Khi lượng nước dự trữ chữa cháy từ 1000m3 trở lên, thì phải phân chia ra hai bể chứa.
Chú thích:
1. Có thể thiết kế nước dự trữ chữa cháy chung với nước sinh hoạt, sản xuất nhưng phải có biện pháp khống chế việc dùng nước dự trữ chữa cháy vào các nhu cầu khác.
2. Khi tính thể tích của bể nước dự trữ chữa cháy, cho phép tính lượng nước bổ sung liên tục vào bể, ngay cả trong khoảng thời gian dập tắt đám cháy là 3 giờ.
3. Trong trường hợp nước chữa cháy bên ngoài lấy từ các hồ chứa nước, mà bên trong nhà cần có hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt và chữa cháy, thì thể tích của bể chứa nước dự trữ phải đảm bảo lượng nước dùng trong 1 giờ, cho một họng chữa cháy và các nước nhu cầu dùng nước khác.
Trên đây là một số lưu ý về thiết kế đặt bơm chữa cháy.
MỌI THÔNG TIN CẦN HỖ TRỢ XIN VUI LÒNG LIÊN HỆ:
Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn MSM
Hotline : 0941 939 114
Email: info@msmvn.com.vn
giaipphappccc114@gmail.com
Website: http://msmvn.com.vn/