Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy mùa nắng nóng

25/04/2020
490 views

Mùa nắng nóng, hanh khô có nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ, hoả hoạn rất cao,các bạn hãy cùng công ty chúng tôi tìm hiểu và chia sẻ một số biện pháp và quy định đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong mùa nắng nóng hanh khô, dành cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình:

Đối với cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện chính sách và pháp luật PCCC:

  • Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ngành, địa phương kịp thời tham mưu xây dựng sửa đổi bổ sung ban hành quy định về việc xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.
  • Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp, phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy. Tăng cường thời lượng, ưu tiên bố trí khung giờ tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm, thoát nạn. 
  • Thực hiện phương châm bốn tại chỗ trong phòng cháy, chữa cháy và để nâng cao chất lượng công tác phòng cháy, chữa cháy, Quốc hội yêu cầu toàn dân lấy phòng ngừa là chính, tập trung chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy sâu rộng với phương châm bốn tại chỗ. 
  • Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy; có giải pháp xử lý dứt điểm các công trình tồn tại vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật.
  • Nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tăng cường xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, chú trọng phát triển mạng lưới các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tại các địa bàn, khu vực trọng điểm. Nổi bật là việc phân cấp, giao một số nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát khu vực và Công an xã.

Đối với các tổ chức, cá nhân cần lưu ý về an toàn PCCC:

  • Đối với các nhà ống, nhà liền kề: không tồn chứa xăng, dầu, cồn gas, hóa chất nguy hiểm và cấc chất dễ cháy, nổ trong nhà; trường hợp cần thiết phải sử dụng thì hạn chế tối đa số lượng và đảm bảo an toàn PCCC. Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu.
  • Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt; thiết bị chứa xăng, dầu phải kín.
  • Việc sử dụng điện phải đảm bảo an toàn, có các thiết bị bảo vệ như: cầu chì, cầu dao, rơ le, phải lắp thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung tòa nhà, từng tầng, từng nhà và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn; không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn neon, bảng điện phải đặt cách xa vật dễ cháy tối thiểu là 0,5m.
  • Khi sử dụng bàn là, bếp điện… phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật sử dụng các thiết bị điện. Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
  • Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa đồ vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Khi đốt vàng mã phải có người trông coi, có che chắn tránh gây cháy lan, hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
  • Không sắp xếp đồ dùng, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn. Không lắp đặt lồng sắt, lưới sắt ở ban công, lối ra của nhà, trường hợp đã lắp thì có cửa chốt trong và không được khóa, tầng sân thượng, mái phải bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái đồng thời cần bố trí lối có thể sang được mái của nhà bên cạnh. Nên chuẩn bị sẵn thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra.
  • Chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Mỗi gia đình nên dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra. Trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải học để biết cách sử dụng các thiết bị chữa cháy đã được trang bị.
  • Khi xảy ra cháy, nổ cần tổ chức chữa cháy kịp thời, phát huy phương châm 4 tại chỗ và đồng thời nhanh chóng báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ qua số 114 để có những biện pháp chữa cháy hiệu quả, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra.
Trang bị đúng, đủ thiết bị PCCC cho gia đình. đảm bảo thiết bị tốt, chất lượng hoạt động tốt ngay khi cần sử dụng, thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng định kỳ và tuân thủ mọi quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy sẽ giúp bảo vệ bạn, gia đình bạn và xã hội.
 
Bình luận facebook